Danh nhân và khoa cử Thanh_Liệt

Thế kỷ thứ VI, làng Thanh Liệt sản sinh một người con trở thành vị tướng tài là Phạm Tu (476 - 545).Ông có công lớn giúp Lý Bí (Lý Nam Đế) đánh đuổi giặc Lương, lập ra nước Vạn Xuân độc lập (năm 544), sau lại đánh đuổi giặc Chiêm Thành giữ yên bờ cõi đất nước. Về sau ông hy sinh trong khi đánh nhau với tướng giặc là Trần Bá Tiên ở cửa sông Tô Lịch. Dân làng lập đền thờ ông ở cánh đồng thôn Trung, gọi là Đình Ngoài[1]. Ngoài ra còn có Miếu thờ ông tại thôn Vực (dân làng quen gọi là miếu Vực) nằm ngay mặt đường nhìn ra ngã ba của hai nhánh sông Tô Lịch.

Làng Thanh Liệt nổi tiếng về truyền thống học hành thành đạt. Đây là quê hương của Chu Văn An (1292 - 1370) - vị Nho thần nổi tiếng cương trực, đào tạo được nhiều học trò giỏi cho đất nước vào cuối thời Trần, trở thành vị "Thánh sư" cho nền giáo dục Nho học Việt Nam. Dân làng đã tôn ông làm Thành hoàng, thờ ông tại ngôi đình nằm trên trục đường chính ngay bên bờ sông Tô và hồ Thủy đình, gọi là Đình Trong. Rất tiếc hồ Thuỷ đình đã bị lấp và Nhà Thuỷ tạ rất đẹp nằm giữa hồ đã bị phá vào khoảng sau năm 2000 khi làm đường qua đây.

Nhà Thuỷ tạ trước đình thờ Danh nhân Chu Văn An ở xã Thanh Liệt (Đầu những năm 2000, trước khi bị phá)

Cháu bốn đời của Chu Văn An là Chu Đình Báo đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông (1484). Theo bia "Hoàng triều Ất Sửu" do Tiến sĩ Hoàng Đình Chuyên (1812 - ?) - người làng Linh Đàm (nay thuộc quận Hoàng Mai soạn thì làng còn có một vị Tiến sĩ nữa là Trần Thản, song các sách Đăng khoa lục không chép vị Tiến sĩ này[1].

Ghi tạc công lao của Chu Văn An và để khích lệ tinh thần học tập của người làng, dân làng đã dựng Văn chỉ tại thôn Trung vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765). Lúc đầu Văn chỉ ở cánh đồng xứ Đầm Tròn. Đến năm Giáp Tý đời Tự Đức (1864), Tú tài Vũ Huy Diệu cho chuyển lên khu đất cao. Văn chỉ gồm 3 gian chính cung lợp ngói, có Tả vu, Hữu vu[1].

Khu tưởng niệm Chu Văn An hiện đang được quy hoạch để xây dựng với diện tích gần 50 ha. (Khu tưởng niệm sẽ nằm trên cánh đồng Thanh Liệt trước đây từ khu sân bóng bộ công an tới khu chùa Quang Ân).

Với truyền thống học hành như thế nên Trường tiểu học Thanh Liệt cũng là một ngôi trường có rất sớm ở trong vùng, nó được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Đầu thế kỷ XX, làng Thanh Liệt có ông Vũ Hoành (1873 - 1946) tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thụcvụ Hà Thành đầu độc, bị đày ra Côn Đảo. Về sau, bị đưa về an trí tại Sa Đéc, ông thể hiện tính khẳng khái: không nhận trợ cấp của Pháp mà tự sống bằng nghề làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân và dạy học cho con em trong vùng. Khi giặc Pháp trở lại gây hấn, ông vào Bưng biền tham gia chiến đấu và hy sinh ngày 29 - 11 - 1946[1].